Nghệ nhân Đỗ Văn Phúc: Người níu giữ hồn những ngôi nhà gỗ cổ

(Vanhoatv.com.vn). Tôi gặp lại người nghệ nhân ấy trước thềm Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2020. Anh thợ mộc cần mẫn, tận tụy, say nghề năm xưa, nay đã được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” – nghệ nhân làm nhà gỗ truyền thống Đỗ Văn Phúc.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương trao danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho nghệ nhân Đỗ Văn Phúc
Khắc đam mê trong từng thớ gỗ

Nghệ nhân Đỗ Văn Phúc sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại miền quê có những mỏ đá ong “trời phú” ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, cơ sở sản xuất nhà gỗ do nghệ nhân Đỗ Văn Phúc làm chủ tọa lạc tại thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai (Hà Nội) vốn nổi danh với nghề làm nhà gỗ cổ. “Tôi bén duyên với nghề mộc từ năm 1982, khi đó tôi mới 13 tuổi. Một phần vì bố tôi rất yêu nghề, cụ rất thích nhà cổ bằng tre, tôi cảm thấy đó là sự thúc giục tôi đến với nghề này. “Sinh nghề, tử nghiệp”, đến nay đã nửa đời người nhưng trong tôi chưa lúc nào hết đam mê nghề”, nghệ nhân Đỗ Văn Phúc bộc bạch.

Hiện nay, để có thể đứng chủ được một hợp đồng làm nhà cổ, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề vượt trội, có khả năng tổ chức quản lý lao động, có tiềm lực kinh tế nhất định và còn phải có hiểu biết về phong thuỷ, mỹ thuật. Với tâm niệm: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, học hỏi ở các thế hệ cha ông đi trước, ở những người đồng nghiệp, gần 40 năm gắn bó với nghề cũng là bấy nhiêu thời gian nghệ nhân Đỗ Văn Phúc trăn trở, cần mẫn, lặn lội tìm đến rất nhiều địa phương có nghề mộc để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm làm nhà cổ, trau dồi kỹ năng, kiến thức và nâng cao tay nghề phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới. “Ngoài đôi bàn tay khéo léo, người thợ mộc phải hiểu rõ về văn hóa truyền thống xưa theo từng triều đại. Thậm chí tôi còn tìm đến gặp các nhà văn hóa để tìm hiểu về văn hóa, di tích lịch sử đặc biệt ở các làng cổ từng vùng miền để nâng cao trình độ của chính bản thân mình”, nghệ nhân Đỗ Văn Phúc thổ lộ.

Cũng theo nghệ nhân Đỗ Văn Phúc, để xây dựng nên một ngôi nhà gỗ hoàn chỉnh độc đáo, hợp ý cả chủ đầu tư và thợ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ và nghệ nhân. Việc làm nên một nếp nhà gỗ dù là 5 gian hay 3 gian đều phải qua nhiều công đoạn: từ lựa chọn nguyên vật liệu, loại gỗ cho ngôi nhà, tạo hình, thiết kế, chọn tích điêu khắc trang trí… rồi chuyển qua khâu gia công đục đẽo, lắp ráp đánh giấy ráp, dựng, phun sơn và cuối cùng là cất nóc đều đòi hỏi phải công phu, kỹ lưỡng.

Ngày nay với sự pha trộn không gian văn hóa, sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, những người như nghệ nhân Đỗ Văn Phúc không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn và phát huy đường nét tinh hoa của nghề mộc xưa, mà còn nâng tầm phát triển nghề truyền thống của cha ông lên một tầm cao mới, đem lại các tác phẩm hiệu quả về kinh tế, cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Những ngôi nhà gỗ cổ sống mãi với thời gian

 

Giữa chốn Hà thành phồn hoa và sầm uất với hàng loạt các khu đô thị, cao ốc chọc trời, là nhà cao tầng, nhà ống mọc lên san sát, nhịp sống đô thị hóa ngày càng rõ nét. Song, như một nốt nhạc trầm sâu lắng, nhiều người vẫn đam mê tìm về những nếp nhà cổ với lối kiến trúc xưa cũ làm nơi thờ cúng tổ tiên, dòng họ.


Một trong những nhà gỗ cổ độc đáo, tinh xảo mang thương hiệu nghệ nhân Đỗ Văn Phúc

Nghệ nhân Đỗ Văn Phúc đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, tôn tạo, tu bổ Di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ và Lăng mộ Tướng quân Thiều Thốn Việt Nam tại huyện Đông Sơn, Thanh Hóa

Theo nghệ nhân Đỗ Văn Phúc: “Một ngôi nhà cổ được coi là đẹp, phải có đủ các hàng chân (36 cột cho nhà 5 gian hoặc 18 cột cho nhà 3 gian), các hoạ tiết hoa văn phải sắc nét tinh xảo. Làm sao khi nhìn vào một ngôi nhà cổ, khách thăm cảm “đọc” được gia thế của chủ nhà, dòng tộc. Những ngôi nhà chạm khắc tứ linh (long, ly, quy, phượng), thường là những gia đình, dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao, có địa vị trong xã hội. Những ngôi nhà khắc tùng, cúc, trúc, mai theo dáng long, ly, quy, phượng (tứ linh hóa) thường là những gia đình giàu có nổi tiếng trong vùng. Một số ngôi nhà bình dân thường chỉ đục chạm hình tượng trong tranh đông hồ như đàn lợn âm dương, vượt vũ môn, hái dừa, …

Gần 40 năm tâm huyết với nghề, đến nay những ngôi nhà gỗ cổ mang thương hiệu Đỗ Văn Phúc đã có mặt khắp mọi miền của Tổ quốc. Đặc biệt, nghệ nhân Đỗ Văn Phúc còn góp nhiều công sức trong việc xây dựng, tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử xếp hạng cấp Quốc gia, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Các công trình tiêu biểu có thể kể đến như: xây dựng nhà thờ và nhà bia tưởng niệm tại Di tích Đền thờ và Lăng mộ Tướng quân Thiều Thốn Việt Nam (Di tích lịch sử Quốc gia); xây dựng Chùa Ngọc Hoa ở Hải Phòng…; đồng thời thiết kế, chế tác nhiều công trình nhà gỗ cho các nhà thờ tổ, đình, chùa, di tích văn hóa có giá trị lịch sử khác.

Xã hội ngày càng phát triển, mang đến nhiều thời cơ mới, song cũng đem đến không ít thách thức với người làm nghề xây dựng nhà cổ như nghệ nhân Đỗ Văn Phúc. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả với tài năng và niềm đam mê nghề, nghệ nhân Đỗ Văn Phúc vẫn kiên trì giữ lửa nghề và đã giúp địa phương giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông nhàn tại chỗ, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhiều người dân tại địa phương và các vùng phụ cận, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và làm giàu cho quê hương.

Từ những đóng góp đáng kể trong việc duy trì và phát triển tinh hoa làng nghề truyền thống nói chung và nghề xây dựng nhà cổ nói riêng, nghệ nhân Đỗ Văn Phúc vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” năm 2013. Đặc biệt, năm 2020 vừa qua, nghệ nhân Đỗ Văn Phúc được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” nghề làm nhà gỗ truyền thống. Danh hiệu là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng cho những cống hiến, tâm huyết, tận tụy với nghề của nghệ nhân Đỗ Văn Phúc. Những tác phẩm nhà gỗ cổ độc đáo, tinh xảo xen lẫn hiện đại mà vẫn lưu giữ, tái hiện đầy đủ được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam sẽ còn sống mãi với thời gian. Nghệ nhân Đỗ Văn Phúc sẽ mãi xứng đáng với tên gọi “Người tạo nên kiệt tác và níu giữ hồn những nếp nhà gỗ cổ”.
theo Ly Ly nguoihanoi.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *