(Vanhoatv.com.vn). Cứ 500 công ty tham gia quá trình đánh giá chỉ có 10% trong số đó đạt chuẩn và được chứng nhận “Môi trường làm việc lý tưởng”. Vậy mà ba năm liên tiếp AIA Việt Nam đều được xướng tên trong danh sách những doanh nghiệp được tôn vinh. “Đây không chỉ là niềm tự hào của AIA mà còn là bí quyết giữ chân nhân sự của AIA”, bà Ái Liên nhấn mạnh.
* Bà có thể chia sẻ rõ hơn giá trị của danh hiệu “Môi trường làm việc lý tưởng” đối với các doanh nghiệp?
– “Môi trường làm việc lý tưởng” là một danh hiệu uy tín toàn cầu do Tổ chức Great Place To Work Hoa Kỳ chứng nhận. Để đạt danh hiệu này, các doanh nghiệp phải đạt chuẩn đánh giá về năm yếu tố cơ bản mà giải thưởng đưa ra, bao gồm tín nhiệm, tôn trọng, công bằng, tự hào và tình bằng hữu, vượt qua quá trình “kiểm toán”, đánh giá văn hóa tổ chức. Năm yếu tố này được duy trì từ năm này đến năm khác và được xem là tiêu chí để đánh giá sự tiến bộ cũng như mức độ duy trì sự bền vững về văn hóa tổ chức. Vậy nên, các công ty được chứng nhận đều xem danh hiệu này như một thước đo về tính hiệu quả cũng như giá trị về môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp mà công ty đã nỗ lực xây dựng.
Song việc đạt được danh hiệu đã khó, duy trì và gìn giữ danh hiệu lại càng khó hơn và đây thật sự là áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp.
* Theo bà, vì sao môi trường làm việc lý tưởng lại được xem là thước đo quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như việc lưu giữ nhân lực?
– So với 10-30 năm trước, thị trường lao động hiện nay “trưởng thành” hơn, không chỉ đông đảo về số lượng, đa dạng về nhu cầu, mà người lao động giờ đây cũng có nhiều yêu cầu hơn, đòi hỏi nhiều hơn, buộc các doanh nghiệp cũng phải liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người lao động cũng như sự cạnh tranh trên thị trường. Là người làm công tác nhân sự trong suốt hành trình nghề nghiệp của mình, tôi rất hạnh phúc khi thấy sự trưởng thành của thị trường lao động Việt Nam.
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc vì vậy trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với sự phát triển cũng như sự trường tồn của doanh nghiệp. Bởi nếu không thay đổi để phù hợp với sự “trưởng thành” của thị trường lao động thì doanh nghiệp đang tự đánh mất năng lực cạnh tranh của chính mình, nhất là cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.
Có một thực tế là để thu hút nhân sự thì chính sách ưu đãi, lương thưởng, công việc phù hợp, uy tín công ty sẽ là yếu tố quan trọng. Nhưng để giữ chân nhân tài thì môi trường làm việc, sự thăng tiến và giá trị mà công ty mới là yếu tố quyết định. Nói vậy để thấy, việc xây dựng môi trường làm việc lý tưởng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mọi doanh nghiệp, tổ chức.
* Cụ thể ba năm qua, AIA Việt Nam đã làm thế nào để “bảo vệ” danh hiệu này, thưa bà?
– Điều đầu tiên tôi quyết định khi vào làm việc tại AIA Việt Nam là phải làm sao để khách hàng nhận ra giá trị nhân văn của bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và nhân viên AIA Việt Nam phải tự hào về chính bản thân, về công ty của mình. Như vậy, với 500 nhân viên của AIA Việt Nam (cách đây ba năm, hiện tại là hơn 1.000 nhân viên) thì mỗi cá nhân phải mang giá trị an tâm, đồng hành mà AIA đã tạo dựng với khách hàng.
Thông qua việc thực hiện năm tiêu chí cốt lõi mà danh hiệu “Môi trường làm việc lý tưởng” đặt ra, AIA đã tạo ra một môi trường làm việc mà ở đó, sếp không phải là người… ngồi trên cao, xa cách với nhân viên, mà hòa đồng, cùng làm việc, cùng xếp hàng ăn cơm như tất cả mọi người. Và AIA Việt Nam đã trở thành ngôi nhà chung mà tại đó mọi người luôn cổ vũ, đề cao tình bằng hữu và các đồng nghiệp luôn thật sự quan tâm, chia sẻ, gắn kết.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, trong suốt 365 ngày của năm vừa qua, chủ đề của chúng tôi đưa ra là “Care 100%”, nghĩa là nhân viên được quan tâm, được thấu hiểu đến 100%. Một trong những hành động trong chủ đề “Care 100%” là mỗi tuần nhân viên nhận được một lá thư thăm hỏi, chia sẻ từ ban lãnh đạo với nhiều màu sắc khác nhau. Điều đáng nói là những lá thư này được viết bằng tình cảm từ chính trái tim chứ không phải chỉ đơn thuần là một văn bản bình thường. Chúng tôi chia sẻ tất cả mọi thứ, hỏi thăm nhân viên làm việc như thế nào, mọi người tương tác làm việc ra sao, phải đối mặt với khó khăn nào…
* Rất nhiều “sếp” đề cập đến trao quyền nhưng sự thật có trao quyền hay không lại là câu hỏi rất lớn. Tại AIA Việt Nam, bà quan niệm như thế nào về văn hóa trao quyền?
– Một nhân viên nếu có đủ năng lực, tự tin vào năng lực và muốn thể hiện chính mình thì khi được trao quyền, họ giống như được chắp cánh để bay. Có thể ví năng lực của nhân viên như một nàng công chúa ngủ trong rừng với đầy đủ nét đẹp tiềm ẩn, chỉ cần “chất xúc tác” là nụ hôn của hoàng tử thì tự nhiên nàng công chúa đó sẽ bừng tỉnh. Và “chất xúc tác” ở đây chính là niềm tin, sự trao quyền, khi đó mọi người sẽ cùng đồng hành và mang đến nhiều giá trị thiết thực cho công ty.
Như đã nói, khởi đầu từ môi trường làm việc và sự gắn kết, AIA Việt Nam mới giữ chân được nhân viên, cùng bồi đắp các giá trị cốt lõi mà AIA đã và đang tạo dựng, và chính điều đó đã tạo nên các giải thưởng quan trọng.
AIA Việt Nam không chạy đua vì giải thưởng, mà chạy đua vì trái tim và khối óc của hơn 1.000 nhân viên. Khi trao quyền cho hơn 1.000 nhân viên, AIA “chiếm” trọn vẹn cả trái tim và khối óc của nhân viên, thì kết quả tất yếu là giữ được nhân viên và những giải thưởng như “Môi trường làm việc lý tưởng” cũng sẽ đến.
* Là giám đốc nhân sự của một doanh nghiệp lớn với hơn 1.000 nhân sự, đâu là điều khiến bà trăn trở?
– Với tôi, áp lực chính là chất xúc tác và mỗi ngày phải đối mặt với nhiều gam màu khác nhau của “chất xúc tác”. Ví dụ hôm nay là màu xanh, hôm sau là xám, hôm sau nữa lại là màu đỏ rực rỡ sẽ tạo cho tôi động lực và thách thức mới, buộc tôi phải vươn tới, chinh phục và liên tục thúc đẩy bản thân phát triển. Và đó là điều thú vị chứ không là áp lực.
* Tố chất nào góp phần vẽ nên chân dung “con người AIA Việt Nam”?
– Ngoài các tiêu chí như rõ ràng, can đảm, tính nhân văn thì chúng tôi phải có tinh thần kết nối với những người khác, ham học hỏi, tìm tòi và biết quan tâm.
* Nhưng có mâu thuẫn không khi áp lực doanh số trong bảo hiểm rất gay gắt, trong khi tiêu chí tuyển dụng lại đề cao tính kết nối?
– Chúng tôi rất hài lòng vì cả đội ngũ AIA, từ lãnh đạo đến nhân viên, đều kết nối cùng một mục tiêu là muốn phát triển bền vững thì phải đi từ chất lượng và không ép khách hàng hoặc ép nhân viên kinh doanh của mình đạt được doanh số bằng mọi giá.
Triết lý kinh doanh của AIA Việt Nam là bạn hãy làm đúng việc, theo đúng cách, với những con người phù hợp và kết quả thực sự sẽ đến với bạn. Và mỗi nhân viên ở AIA đều có quyền đặt tay lên trái tim của mình để trả lời câu hỏi: Mình có đang làm đúng hay không? Và câu trả lời luôn là: “Yes (Vâng). Tôi đã làm đúng”.
* Niềm vui của người đứng đầu trong quản trị con người tại một doanh nghiệp bảo hiểm luôn hướng những điều tốt đẹp đến con người là gì, thưa bà?
– Nhiều người vẫn cho rằng, công việc của người làm nhân sự là tuyển dụng, trả lương, trả thuế, bảo hiểm xã hội. Nhưng cho dù bạn có trả lương thưởng cho nhân viên cao bao nhiêu, cho họ chức danh như thế nào thì điều cuối cùng có giá trị với họ vẫn là từ trái tim đến trái tim, đó là cách chúng ta đã đối xử, đã sống với nhau như thế nào trong cùng một nhà. Và cái tâm, hạnh phúc của những người làm nhân sự là ở cách ứng xử đó. Người làm nhân sự cũng chính là người cùng với ban lãnh đạo tạo nên văn hóa doanh nghiệp. Họ phải đem được những giá trị tích cực nhất đến với đội ngũ lãnh đạo để cùng hướng về cái tâm và con người.
Và muốn làm được điều này, người làm công tác nhân sự đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Không đơn giản là cứ đi học một cái bằng về nhân sự là được. Hạnh phúc sẽ đến từ những giá trị mình mang lại cho người khác, cho tổ chức. Mỗi khi nhìn thấy một nhân viên lớn lên, trưởng thành trong nghề nghiệp của họ thì đó là hạnh phúc lớn nhất mà tôi cảm nhận.
* Cảm ơn bà về những chia sẻ!
(Theo doanhnhansaigon.vn)