(Vanhoatv.com.vn). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia trở về. Năm 1991 chàng trai trẻ Đinh Quang Thắng với tình yêu quê hương mãnh liệt, khao khát được kế thừa và phát huy nghề Chạm bạc gia truyền của ông nội và cha để lại. Từ một người thợ thủ công anh luôn nghiên cứu tìm tòi và học hỏi các bậc cha chú, những bậc thầy đi trước các bí quyết gia truyền của gia tộc, để làm ra những sản phẩm Chạm bạc công phu, tỷ mỉ và tinh xảo nhất. Nhờ bàn tay tài hoa khéo léo mà anh trở thành thầy dạy nghề cho lớp trẻ làng Đồng Xâm tỉnh Thái Bình lúc nào không hay. Với sự đam mê tình yêu nghề, và sâu sa hơn nữa là trách nhiệm của một người con đối với Gia tộc cùng dòng họ, đã giúp anh thêm kiên định trên con đường mà mình đã chọn, có một câu nói của Lênin rất hay: “Tài năng là một thứ hiếm hoi, cẩn thận trong nâng đỡ nó một cách hệ thống”, hay nói một cách đơn giản như Anh – XTanh: “Con người xuất chúng được tạo nên không phải bằng bài văn đẹp đẽ mà là bằng lao động của bản thân và những kết quả của lao động đó”. Nghệ nhân Đinh Quang Thắng là một người như thế.
CCB Đinh Quang Thắng mặc áo xanh (thứ 4 từ phải sang) chụp ảnh cùng đồng đội
Xuôi về làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay. Men theo dòng sông Đồng Giang êm đềm và phẳng lặng, hiện ra trước mắt chúng ta là một làng quê có bề dày lịch sử hơn 65 năm. Với truyền thống cách mạng anh hùng, nơi đó có nhà thờ tổ nghề rất linh thiêng, dường như tổ tiên đang phù hộ cho những người giữ lửa nghề luôn được khỏe mạnh, để có thể đào tạo lực lượng kế cận trong tương lai. Trong căn nhà mang nét cổ kính pha chút hiện đại, chúng tôi được gặp ông Đinh Quang Thắng, giờ đã hơn sáu mươi tuổi. Một người trông giản dị nhưng có ánh nghiêm khắc của người thầy, và chất lính của: “Bộ Đội Cụ Hồ”. Ông Thắng tâm sự: “Tôi rất tự hào vì đã sinh ra ở vùng đất có nghề cha ông truyền lại, có sự đam mê chất vàng son bí truyền của các cụ, là tư duy sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp, là để lại cho đời những bảo vật vô giá quốc gia. Để mãi cho đời sau những tác phẩm vượt lên cả không gian và thời gian. Tôi vui vì đã đào tạo được cho 9 người cùng giữ nghề của cha ông, đào tạo miễn phí và giúp đỡ họ có thu nhập ổn định.
Di tích thờ tổ nghề Chạm bạc Đồng Xâm – Thái Bình
Không cần phải tô vẽ nhiều hay quảng cáo ầm ĩ, các sản phẩm do ông làm ra là hàng cao cấp, với nét vẽ “đanh khôn” kỹ nghệ cực kỳ tinh xảo đã minh chứng cho giá trị của chính con người ông – một người thầy tâm huyết cả đời đã và đang ngày đêm: “Nguyện giữ ngọn lửa nghề” trước mọi phong ba bão táp của thị trường…Bất chấp hàng ngoại nhập lậu tràn lan đẹp và rẻ, nhưng sản phẩm của cơ sở Đinh Quang Thắng sản xuất sẽ đứng vững, bởi giá trị cốt lõi truyền thống mang đậm nét cổ xưa nghệ thuật của người Việt. Nhất là cái sản phẩm đồ thờ bằng đồng và chạm khắc bạc. Đó là những sản phẩm như Bộ bình, Lư, Kim thư, Ngân thư, rồi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như “ Mâm Đồng Long Phụng Tranh Châu” đã được trưng bày triển lãm tại Đình Kim Ngân ở phố hàng Bạc, Hà Nội.
Sản phẩm Chạm bạc do CCB Đinh Quang Thắng chế tác
Với vốn liếng học nghề từ năm 15 tuổi theo cha cùng ông nội, đến bây giờ ông đã có hơn 20 năm trong nghề, không những là người làm kinh tế giỏi doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm, mà ông còn đào tạo miễn phí cho người khó khăn đặc biệt là thanh niên xung phong. Lúc cao điểm ông có 17 thợ làm với mức lương từ 5 triệu – 7 triệu đồng/ 1 tháng. Quả thật nhìn khối tài sản gần 60 chứng nhận giấy khen và bằng khen của các cấp, mà ông luôn coi đó là tài sản và danh dự sống cuộc đời mình, đặc biệt trong đó còn có cả “Bảng vàng Doanh Nhân văn hóa” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng; Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình; Giấy khen công dân tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của chủ tịch huyện Kiến Xương, lại có cả bằng khen của UBND thành phố Huế…Tuy nhiên ông không thích khoa trương về những thành tích đó mà chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để giữ được nghề truyền thống. Cho dù thời thế thay đổi ông cũng quyết tâm làm người giữ lửa, để nó sẽ rực sáng mãi.
Sản phẩm Chạm bạc do ông Thắng chế tác
Khi tôi hỏi ông muốn truyền tải thông điệp gì đến những nghệ nhân, đồng nghiệp trên khắp mọi miền đất nước, trong bối cảnh hiện nay làng nghề truyền thống đang bị mai một và mất dần đi. Ông trầm tư suy nghĩ rồi nói: “Do ảnh hưởng của cơ chế thị trường và một mặt nhận thức quan điểm, nhất là ở vùng nông thôn chưa nhận thức đúng về nghề gia truyền. Tất nhiên ứng dụng công nghệ trong sản xuất là tốt, nhưng có những cái công nghệ không thể thay thế bằng bàn tay con người được. Không tính đến giá trị thủ công nhất là nghề Chạm bạc tinh xảo – một cái nghề phục vụ cho tầng lớp khá giả, lớp trẻ thì bỏ quê ra phố. Đào tạo con người không có sự hỗ trợ đối với người đứng đầu bao năm trong nghề, điều này dẫn đến mất nghề mà các phương tiện truyền thông đã cảnh báo. Buồn thay hàng mỹ nghệ thì bán theo cân, ông nhấn mạnh sự quan tâm của chính quyền vẫn là hàng đầu và rất cần thiết đối với những người làm nghề như ông.
CCB Đinh Quang Thắng đang truyền dạy nghề Chạm bạc truyền thống tại cơ sở
Chia tay làng Chạm bạc Đồng Xâm – Thái Bình, chúng tôi thấy niềm vui xen lẫn nỗi buồn khó tả. Vui vì vẫn còn những người như ông Thắng và buồn vì đâu còn tiếng búa gõ chạm bạc vang lên đều đặn trong các ngôi nhà, ngõ xóm. Để có thể khôi phục lại làng nghề, rất cần những trái tim yêu nghề quyết tâm bảo vệ nghề tổ truyền. Cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành và sự giáo dục đến con em của làng nghề nhận thức và tự hào về nghề của cha ông để lại. Cuối cùng chúng tôi xin chúc cho người Thầy – CCB Đinh Quang Thắng mãi là tấm gương sáng, để các thế hệ sau bước tiếp giữ lửa nghề cha ông.
Thu Hương