Cùng dự có Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài; Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Đỗ Đức Quế.
Về phía Sở GD&ĐT Hà Nam có ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Sở, cùng lãnh đạo, chuyên viên các phòng chức năng; hiệu trưởng các trường TH, THCS… đã tham dự.
Cơ hội đồng hành cùng thách thức
Báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ GDPT năm học 2020 – 2021, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam – ông Nguyễn Quang Long cho biết:
Ngành GD&ĐT cũng thực hiện Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng Nghiên cứu bài học. Thực hiện các mô hình đổi mới GDPT; Triển khai Đề án Ngoại ngữ QG năm học 2020- 2021. Triển khai Giáo dục STEM theo Công văn số 3089/BGDĐT- GDTrH của Bộ GD&ĐT; Triển khai hoạt động NCKH của HS trung học và tổ chức cuộc thi KHKT cấp tỉnh; Giáo dục hòa nhập HS khuyết tật; Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường…
Năm học 2020- 2021, để bước vào triển khai CTGDPT mới ở các cơ sở giáo dục, ngành GD&ĐT Hà Nam đã tiến hành bồi dưỡng CBQL, GV; Chuẩn bị lựa chọn SGK và tài liệu dạy học CTGDPT mới. Thực hiện nội dung giáo dục địa phương…
Quá trình triển khai nhiệm vụ GDPT ngành GD&ĐT còn gặp một số vướng mắc, khó khăn cơ bản như: Về cơ sở vật chất, phòng học tiểu học đạt 0,99 nhóm/phòng, lớp; tỷ lệ kiên cố đạt 97%; Số lượng phòng học bộ môn, nhà tập đa năng, diện tích đất tại một số cơ sở giáo dục còn thiếu so với quy định mới… Thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu thiếu so với các Thông tư mới của Bộ GD&ĐT.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam- ông Phạm Anh Tuấn cũng trăn trở: Từ nhiều năm nay biên chế GV trong số biên chế sự nghiệp giáo dục được UBND tỉnh giao không đủ số lượng theo định mức quy định. Điều đó gây khó khăn cho ngành giáo dục trong việc phân công, bố trí GV, nhất là giai đoạn thực hiện CTGDPT 2018, những môn học mới cần tuyển dụng GV mà không có biên chế giao để tuyển.
Việc hợp đồng GV trong chỉ tiêu biên chế được giao để thay viên chức nghỉ thai sản, nghỉ hưu – chưa kịp tuyển dụng thay thế theo quy định…
Đặc biệt, khi thực hiện dạy học theo CTGDPT 2018, nhân viên thiết bị, thí nghiệm và nhân viên công nghệ thông tin còn thiếu nhiều so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT. Vì vậy chất lượng công việc chưa cao…
Để có thêm điều kiện triển khai nhiệm vụ GDPT thời gian tới hiệu quả, ngành GD&ĐT Hà Nam nêu một số kiến nghị, mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm và cùng tháo gỡ.
Cụ thể, trong việc bồi dưỡng, tập huấn GV cần bố trí vào thời điểm thích hợp trong năm học (nên bố trí trong hè); Tăng cường thời gian bồi dưỡng trực tiếp, giảm thời gian bồi dưỡng trực tuyến;
Nội dung bồi dưỡng cần sát với đối tượng GV là những người trực tiếp thực hiện việc giảng dạy, giảm lý thuyết hàn lâm; Tăng cường GV cốt cán tại địa phương.
Cùng đó, mong muốn Ban quản lý Chương trình ETEP xem xét tạo điều kiện, cho phép bổ sung bồi dưỡng 17 GV cốt cán cấp THCS và THPT để đảm bảo địa phương có đủ đội ngũ GV cốt cán các môn học để triển khai hỗ trợ đồng nghiệp, bồi dưỡng đại trà trong năm 2021…
Cho phép các địa phương linh hoạt trong quy trình tổ chức bồi dưỡng trực tiếp và bồi dưỡng online các mô đun để đảm bảo tiến độ và chất lượng bồi dưỡng đội ngũ năm 2021.
Đối với vấn đề lựa chọn SGK, ngành GD&ĐT Hà Nam cho rằng cần bổ sung kịp thời một số văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí lựa chọn SGK và tài liệu dạy học CTGDPT mới đối với từng môn học để các địa phương tham khảo.
Giới thiệu đầy đủ, đồng thời các bộ SGK và tài liệu dạy học CTGDPT mới để các địa phương có thể tổ chức lựa chọn sách và tài liệu khoa học, hệ thống và nhanh gọn nhất.
Ngành GD&ĐT Hà Nam mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ giao bổ sung chỉ tiêu biên chế để đảm bảo tỷ lệ GV/lớp theo quy định…
Tháo gỡ cùng cơ sở
Lắng nghe báo cáo, ý kiến trực tiếp từ các cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai nhiệm bước vụ GDPT; CTSGK lớp 1 mới; việc chuẩn bị triển khai lớp 2, lớp 6… Thứ Trưởng Nguyễn Hữu Độ đã ghi nhận nỗ lực của ngành GD Hà Nam và đưa ra những ý kiến tháo gỡ.
Thứ trưởng ghi nhận ngành GD&ĐT Hà Nam đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, bài bản các điều kiện triển khai nhiệm vụ GDPT và có được kết quả khả quan.
Nhận thức của hệ thống chính trị, GV về đổi mới GDPT rõ ràng, sâu sắc, thiết thực… Công tác đào tạo bồi dưỡng của Ngành, nhà trường cho GV về mô đun 1, 2 nghiêm túc, GV đã hiểu rõ, kĩ trong quá trình triển khai.
Đây là năm học đầu tiên triển khai CTGDPT 2018 tuy nhiên các trường đã có sự chuẩn bị kĩ càng và triển khai hiệu quả. Qua 1 học kỳ thực hiện CTGDPT 2018 với lớp 1 tại trường TH xã Nhân Thịnh, GV đã nắm vững nội dung chương trình, phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS; HS được quan tâm phát triển các phẩm chất, năng lực; HS đã cơ bản đạt được kết quả theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt. Với môn Tiếng Việt, kĩ năng đọc, nghe nói của HS đã tốt hơn các năm trước. Chất lượng kiểm tra định kỳ học kỳ I: Môn Tiếng Việt đạt 100%, môn Toán đạt 95%…
Trong công tác chuẩn bị triển khai CTGDPT 2018 tại trường THCS Châu Sơn, đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp tuyên truyền; Chủ động rà soát, chuẩn bị về đội ngũ, điều kiện về cơ sở vật chất…
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho rằng việc triển khai còn một số khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ GV… ngành GD&ĐT Hà Nam cần tiếp tục tăng cường tháo gỡ.
Đồng thời Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nêu các đề nghị cụ thể với ngành GD&ĐT Hà Nam để triển khai hiệu quả hơn nhiệm vụ GDPT và triển khai CT, SGK lớp 1 mới.
Theo Thứ trưởng, Nghị quyết 29 nêu rõ phải xây dựng chương trình giáo dục mở, phải làm thế nào để HS được học trong môi trường chất lượng, an toàn… Như vậy, với GV giảng dạy chưa đúng chuyên ban thì điều chỉnh lại cho đúng để mang lại hiệu quả giáo dục cao.
Việc đổi mới CT, SGK theo hướng phát triển phẩm chất năng lực phẩm chất cho HS là chủ trương lớn, với nhiều đổi mới từ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Vì vậy thầy cô cần nắm bắt kỹ, hiểu sâu để thực hiện đúng, hiệu quả.
Đồng thời đề nghị thầy cô, các nhà trường nắm các yêu cầu mới của Luật Giáo dục; Tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc thực hiện chương trình 2006 theo hướng tiếp cận việc dạy học phát triển phẩm chất năng lực cho HS, trong đó đặc biệt chú trọng công văn 4612 với 4 đổi mới (xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới quản trị nhà trường) và công văn 5512.