Biện pháp quản lý trong Mùa lễ hội Xuân Tân Sửu 2021: Đề xuất phân nhóm địa phương để kịp thời xử lý

(Vanhoatv.com.vn). Mùa lễ hội Xuân Tân Sửu 2021 diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01 ngày 5.1.2021, trong đó hạn chế tổ chức các lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Mùa lễ hội 2021 vẫn đặt phòng chống dịch Covid-19 lên hàng đầu

 Dừng lễ hội khi dịch bệnh bùng phát

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, thực hiện mục tiêu phòng chống dịch bệnh Co­vid-19 trong lĩnh vực quản lý lễ hội, trong năm qua Bộ VHT­TDL đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác triển khai thực hiện Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Co­vid-19 trong hoạt động lễ hội tại một số địa phương. Qua kiểm tra, các địa phương đều thực hiện nghiêm Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Công điện và các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL trong công tác phòng, chống dịch thuộc lĩnh vực VHTTDL, dừng các lễ hội chưa khai mạc và giảm các hoạt động phần hội đang diễn ra ở địa phương như: lễ hội Tịch điền (Hà Nam), Hội Lim (Bắc Ninh), lễ Khai ấn Đền Trần (Nam Định), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Festival Trà Thái Nguyên…

Năm 2021 được nhận định đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng cường giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý đối với công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương, công văn số 5050/BVHTTDL- VHCS vừa được Bộ VHTTDL ban hành đã nêu rõ yêu cầu các địa phương nghiêm túc triển khai quy trình phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực VHTTDL theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ VHTTDL đã ban hành. Đặc biệt, công văn nhấn mạnh yêu cầu bắt buộc đối với người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động du lịch; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao nơi công cộng; tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; tham gia lễ hội theo hướng dẫn của ngành y tế. Các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch; các cơ sở hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; bảo tàng, ban quản lý di tích danh lam thắng cảnh; các Ban/Trung tâm quản lý Di sản Thế giới, BTC lễ hội áp dụng quy trình phòng chống dịch Covid-19 theo nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ VHTTDL.

Bộ VHTTDL cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức các phương án về đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động, khách du lịch, người tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, khách tham quan bảo tàng và các di sản văn hóa, người tham gia lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trên các panô, bảng hướng dẫn, tờ rơi, loa phát thanh… cho nhân dân tại các điểm du lịch; bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; các cơ sở hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; địa điểm tổ chức lễ hội.

Đặc biệt, công văn nhấn mạnh yêu cầu thực hiện biện pháp tạm ngừng tổchức lễhội theo quy định tại Nghị định số110/2018/NĐ-CP trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội để đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh.

Giải pháp phù hợp theo nhóm địa phương

Cũng theo bà Ninh Thị Thu Hương, nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép: Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội; Chỉ thị số 01 ngày 5.1.2021 yêu cầu hạn chế tổ chức các lễ hội; đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021, Cục Văn hóa cơ sở đã đưa ra đề xuất cần phân nhóm các địa phương để thực hiện các giải pháp phù hợp.

Cụ thể, đối với các tỉnh tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thấp, các giải pháp được quán triệt gồm: Thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110; đặc biệt cần thống kê, phân loại lễ hội các cấp để có biện pháp quản lý phù hợp. Giảm quy mô, thời gian tổ chức lễ hội; thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động hội trong lễ hội. Đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế; yêu cầu bắt buộc đối người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động lễ hội, tham quan di tích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân và du khách trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thểtại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; tổ chức tập huấn các biện pháp phòng dịch.

“Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; căn cứ tình hình thực tế, chỉđạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổchức lễhội theo quy định tại Điều 8 Nghị định 110…”, biện pháp được Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh. Đối với tỉnh có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, những giải pháp cần được tăng cường gồm: Thực hiện dừng hẳn khai mạc tổ chức các loại hình lễ hội tập trung đông người trên địa bàn đến khi tình hình dịch bệnh được khống chế. Tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng nhiều biện pháp để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, dòng họ trong việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ cho gia đình, bản thân, cộng đồng.

“Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch tại các di tích gắn với hoạt động lễ hội. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm… luôn là những giải pháp cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời có những giải pháp ứng phó hiệu quả”, bà Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.

AN NGÂN 

(Theo vanhoaonline.com.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *