(Vanhoatv.com.vn).Từ hàng trăm năm qua, ở nước ta đã có những làng thợ mộc chuyên dựng nhà gỗ, sau này là nhà cổ. Dưới đôi bàn tay của những nghệ nhân, người thợ, mỗi công trình dựng lên không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị rất cao về mặt thẩm mỹ, chứa đựng tâm sức rất lớn của mỗi người thợ…
Tài hoa những đôi tay
Đi theo Quốc lộ 6, qua thị trấn Chúc Sơn, không khó để tìm thấy làng Phù Yên, thuộc xã Trường Yên (Chương Mỹ – Hà Nội), ngôi làng nổi tiếng với nghề dựng nhà cổ. Ở nơi đây, có hàng chục “đại gia” có tiếng với nghề cha truyền con nối, như các ông Nguyễn Chí Điền, Nguyễn Chí Nguyên, Nguyễn Quảng Bình, Nguyễn Chí Mười, Nguyễn Chí Quân… Thậm chí có nghệ nhân được ca ngợi là có đôi bàn tay siêu đẳng về chạm trổ, đục hoa văn và tính toán mức độ cân xứng cho mỗi bộ kèo, mỗi ngôi nhà.
Buổi sáng cuối tháng 11, ông Nguyễn Chí Điền đang nỗ lực cùng các người thợ hoàn thành một số chi tiết cho ngôi nhà thờ họ ở trong khu vực xã. Tôi hỏi, các chi tiết về gỗ đều được đục và làm từ xưởng này ạ? Ông Điền trả lời: “Tất cả được thiết kế từ bản vẽ. Các cột, kèo, chi tiết, họa tiết đều được làm tại xưởng nhà, sau đó mới chuyển đến công trình mà khách đặt để dựng lại”.
Trò chuyện với những người dân, người thợ, được biết gia đình ông Điền (73 tuổi) là một trong những hộ đầu tiên nhận công việc dựng nhà về cho người dân địa phương làm và gây dựng cho gia đình mình danh tiếng trong nghề. “Đúng ra đây là nghề dựng nhà giả cổ. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi dựng là ở Từ Liêm – Hà Nội, cách nay đã mấy chục năm rồi. Ngày ấy do thiếu kinh nghiệm nên cần tới 20 thợ làm ròng rã suốt 6 tháng mới xong. Từ ngôi nhà đầu tiên, chúng tôi đã rút được những kinh nghiệm nhất định, và tự học để nâng cao tay nghề”, ông Điền cho hay.
Tìm hiểu ra, trung bình một ngôi nhà cổ phải làm mất 6 tháng với hơn 13 thợ. Một người thợ giỏi phải nắm bắt được kỹ thuật đục đẽo chuẩn xác, chi tiết để các mộng phải kín, khít. Con trai ông Điền là anh Nguyễn Chí Ba đã nối nghiệp cha ông rất nhanh nhạy trong công việc cũng như nhận việc cho thợ làm. Cái khó nhất của công việc, theo anh Ba không phải là đục, mà là lắp ráp. Một ngôi nhà có khoảng 1.500 cấu kiện. Lúc ráp nối đòi hỏi trí nhớ tốt, và làm sao để các mộng kín, chắc. Khó như vậy mới cần đến những đôi bàn tay tài hoa.
Tạo dựng những tinh hoa
Các nghệ nhân đã đến nhiều nơi như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, nhiều huyện trên địa bàn Hà Nội, thậm chí vào cả TP. Hồ Chí Minh để dựng nhà giả cổ. Nhiều người trẻ của các làng nghề như anh Nguyễn Chí Ba, con trai ông Điền tự tin chia sẻ rằng, hiện trong cả nước cũng có một số nơi làm nhà cổ, nhưng “đẳng cấp” thì khó đâu bì được người làng Phù Yên.
“Chúng tôi nhận làm công trình xa nhất đó là ở An Phú Đông (quận 9, TP. Hồ Chí Minh) vào năm 2009. Khi đó, để dựng nhà cổ với 36 chân cột, gia đình phải thuê ba xe container đóng gỗ từ xưởng ở Trường Yên chuyển vào. Chúng tôi còn dựng cả nhà ở Đường Lâm nữa”, anh Ba bày tỏ.
Là người có tâm với nghề, nghệ nhân Nguyễn Quý Bình, làng Phù Yên cho biết, ngày nay, trừ những công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn làm thủ công như trạm trổ hoa văn thì những người thợ trẻ đời sau được học hỏi nhiều kinh nghiệm từ cha ông và cũng linh hoạt trong việc ứng dụng các công nghệ mới vào trong nghề, nâng tầm nghề của cha ông.
Nghề dựng lại những ngôi nhà, những ký ức là vô cùng khó. Một khi nghề chọn người, thì người đó hội tụ rất nhiều yếu tố về sức khỏe, kỹ thuật và cả đam mê. Theo thống kê của ông Vũ Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất), toàn xã có hơn 2.500 hộ, trong đó có 500 hộ làm nghề, có nhiều gia đình ba đến năm đời làm nghề. Hiện nay thu nhập bình quân của người thợ làm nhà cổ khoảng 300 nghìn đồng/ngày.
Ước ao của những người thợ là đủ sức khỏe và đam mê để giữ nghề. Họ đã và đang góp phần nâng tầm giá trị của làng nghề Thủ đô, giá trị của một nghề vất vả nhưng vinh quang, tạo dựng những nét tinh hoa cho hôm nay và mai sau.
theo Diên Khánh baodantoc.vn