Người phụ nữ Chăm mang danh hiệu “Bàn tay vàng thổ cẩm Việt Nam”

(Vanhoatv.com.vn). Hơn 50 năm gắn bó với khung dệt, đến nay, thổ cẩm của bà đã có mặt tại hơn 20 quốc gia như Mỹ, Pháp, Nhật, Bỉ, Canada, Hàn Quốc…Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã xác lập kỷ lục gia đối với bà về thành tích “Người phụ nữ Chăm giới thiệu và phát triển thổ cẩm Chăm ra nước ngoài nhiều nhất”. Bà là Nghệ nhân Thuận Thị Trụ (Inrahani).

Nghệ nhân Thuận Thị Trụ bên tấm bằng xác lập kỷ lục “Người phụ nữ Chăm giới thiệu và phát triển thổ cẩm Chăm ra nước ngoài nhiều nhất”

Hồi sinh nghề dệt làng Chakleng

Nghệ nhân Thuận Thị Trụ sinh ra và lớn lên tại làng Chakleng (làng Mỹ Nghiệp) – có nghĩa là nghề đẹp, thuộc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận). Làng Chakleng có nghề truyền thống làm thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm.

Ở làng Chakleng, nghề dệt thổ cẩm mang tính “mẹ truyền con nối”. Con gái lớn lên phải biết dệt vải, mới được xem là trưởng thành. Chính vì thế, Thuận Thị Trụ đã sớm được tiếp xúc với khung dệt và học cách dệt từ bà, mẹ của mình.

Ngay từ khi còn là thiếu nữ, Thuận Thị Trụ đã có thể tự dệt cho mình những tấm vải để may quần áo và đồ dùng cá nhân đẹp mắt. Tình yêu thổ cẩm cũng bắt đầu từ đó.

Lớn lên, Thuận Thị Trụ trở thành cô giáo mầm non, hàng ngày dạy trẻ. Thế nhưng, cô gái trẻ vẫn không quên nghề dệt thổ cẩm. Mỗi tối, sau giờ lên lớp, cô đều miệt mài ngồi vào khung cửi.

Cùng lúc đó, nghề dệt trên quê hương Mỹ Nghiệp đang đứng trước nguy cơ mai một dần. Nguyên liệu khan hiếm, bà con chủ yếu chỉ chăm lo mấy mảnh ruộng, nương rẫy khô cằn nên số hộ gia đình theo nghề chỉ còn trên đầu ngón tay, chủ yếu là tự cung tự cấp.

Không “nỡ lòng” nhìn làng nghề truyền thống bao đời nay của các thế hệ trước để lại bị quên lãng, Thuận Thị Trụ nung nấu nuôi hi vọng, một ngày nào đó sẽ làm cho làng nghề “sống lại”. Ước mơ người dân trong làng có việc làm, có cái ăn có cái mặc đủ đầy, cuộc sống sung túc hơn từ nghề dệt thổ cẩm, một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ.

Bà Trụ nhớ lại: Cuối năm 1989, một doanh nghiệp nhà nước ở Phan Thiết về Chakleng đặt hàng thổ cẩm số lượng lớn. Cả làng xôn xao, tấp cập dệt ngày đêm để đáp ứng yêu cầu hợp đồng. Đơn hàng đã hoàn thành, xe tải chở hàng đi, người dân Chakleng ngày đêm chờ tiền về. Nhưng sau đó đối tác chở toàn bộ hàng thổ cẩm trả lại vì ra màu đỏ loe, đỏ loét.

Nghệ nhân Thuận Thị Trụ bên khung dệt

Không nản chí, Thuận Thị Trụ bàn với chồng xử lý đơn hàng cho người dân bằng cách cắt những tấm vải dệt lớn ra thành áo, quần thổ cẩm và những vật dụng như túi, ví, giỏ xách…mang vào TP. Hồ Chí Minh bán lẻ. Chuyển bại thành thắng, Thuận Thị Trụ từng bước hồi sinh nghề dệt dân tộc.

Để lấy hàng cho quán và cung cấp hàng thổ cẩm cho các cửa hàng trong thành phố, bà  đi về Ninh Thuận-Sài Gòn thường xuyên như đi chợ. Sau một năm, bà đã đã đủ tiền thuê một cửa hàng nhỏ ở Thương xá TAX để tự tiêu thụ sản phẩm của mình.

Từ lúc này, giấc mơ hồi sinh thổ cẩm Chăm, đã được thắp lên trong những người phụ nữ Chăm ở làng Mỹ Nghiệp bắt đầu. Những người phụ nữ nghèo ở làng đã quay trở lại với nghề dệt trong niềm phấn khởi. Trong làng, tiếng thoi đưa lại được vang lên đều đặn bên những khung dệt. Làng nghề hồi sinh từ đó.

Dấn thân để vươn tầm quốc tế

Trong kinh doanh có những lúc gặp khó khăn thất bại, nhưng không ngăn được bà Thuận Thị Trụ thực hiện tiếp giấc mơ thổ cẩm. Với tài năng của mình, bà đã nghiên cứu, khắc phục những điểm yếu của sản phẩm; đồng thời nắm bắt nhu cầu đa dạng từ thị trường cũng như khách du lịch và nghĩ ra mẫu mã mới.

Vượt qua nhiều gian nan thử thách, kiên định với con đường mình đã chọn, cuối cùng thành công cũng đã đến với người phụ nữ mạnh mẽ và giàu nghị lực này. Năm 2000, Công ty thổ cẩm Inrahani ra đời, do bà làm Giám đốc, giải quyết việc làm cho 200 phụ nữ nghèo ở Mỹ Nghiệp.

Đây là công ty thổ cẩm đầu tiên của Việt Nam, và bà là người tiên phong trong phong trào phục hồi nghề dệt thổ cẩm trong cả nước. Đến nay, Công ty đã sở hữu hơn 300 mặt hàng thổ cẩm như: ví, túi, balô, quần áo, drap phù hợp với thị hiếu khách hàng đủ tầng lớp, mọi lứa tuổi.

Sau thành công với thổ cẩm Chăm, bà lại chuyển sang nghiên cứu thổ cẩm của các dân tộc miền núi các tỉnh phía Bắc nhằm làm phong phú sản phẩm và đưa vào thị trường. Tại các hội chợ triển lãm, khi thấy hàng thổ cẩm Chăm bán được, trong khi hàng của các dân tộc khác như Thái, Mông… thì ế ẩm, bà bắt đầu nghĩ cách mua mặt hàng thổ cẩm của các dân tộc về bán cho các shop ở thành phố. Kết quả là hàng thổ cẩm dân tộc Thái bán chạy không thua hàng Chăm.

Nhờ có công sưu tầm hơn 30 hoa văn nền của thổ cẩm Chăm đang có nguy cơ thất truyền đã được lưu giữ, khôi phục thành công.

Với những đóng góp ấy, nghệ nhân Thuận Thị Trụ đã được tặng danh hiệu “Bàn tay Vàng thổ cẩm Việt Nam”. Ngoài ra, tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã xác lập kỷ lục gia đối với bà về thành tích “Người phụ nữ Chăm giới thiệu và phát triển thổ cẩm Chăm ra nước ngoài nhiều nhất”.

Nhờ đam mê thổ cẩm, đôi chân nhỏ bé của người phụ nữ Chăm tưởng chừng như chỉ quanh quẩn với thôn làng đã có cơ hội đặt chân đến hàng chục nước trên thế giới. Nhiều nước đã mời bà về trình diễn dệt vải và giải thích về nét đẹp của văn hoá Chăm. Thổ cẩm Chăm và các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng theo bà có mặt ở các hội chợ triển lãm lớn ở Thuỵ Sĩ, Pháp, Bỉ, Nhật, Singapore, Malaysia, Lào, Thái Lan…

Từ tâm huyết với văn hóa truyền thống, bà đã sưu tầm, khôi phục được hơn 30 hoa văn nền của thổ cẩm Chăm đang có nguy cơ thất truyền. Không chỉ vậy, bà còn cách điệu thêm khoảng 50 hoa văn khác. Mới đây, Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani đầu tiên của Ninh Thuận vừa được xây dựng xong ở quê nhà, thêm một lần nữa ước mơ của bà đã thành hiện thực.

Dù gặt hái được những thành công nhất định song, đối với người phụ nữ Chăm này, danh tiếng chỉ là phù hoa. Bà chia sẻ rằng, bản thân muốn làm nhiều việc hơn nữa để giới thiệu văn hóa Chăm đến với mọi người. Với bà đó chính là bổn phận, trách nhiệm thiêng liêng và cả một niềm tự hào của người phụ nữ Việt Nam.

theo Lê Thuận baodantoc.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *