Nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể: Trăn trở đằng sau một danh hiệu cao quý

(Vanhoatv.com.vn). Sau 2 đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể (năm 2015 và năm 2019) theo Nghị định 62/2014/NĐ-CP năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, đã có tổng số 1.253 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, gồm 66 Nghệ nhân Nhân dân và 1.187 Nghệ nhân Ưu tú. Tuy nhiên, sau vinh danh, câu chuyện đãi ngộ nghệ nhân, hay làm thế nào để nhận diện đúng đối tượng vinh danh vẫn là điều được dư luận, công chúng quan tâm hàng đầu.

Nghệ nhân Then Nông Thị Lìm (ở giữa) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015
Nghệ nhân Then Nông Thị Lìm (ở giữa) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015

Theo TS. Phạm Cao Quý, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), do tính chất, đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể, khi xác định, nhận diện nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thể căn cứ vào tài năng, kỹ năng, kỹ thuật mà nghệ nhân đó đang nắm giữ; căn cứ vào các di sản văn hóa phi vật thể mà nghệ nhân đó đang nắm giữ và sự đóng góp của cá nhân đó đối với cộng đồng trong việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể; khả năng truyền dạy, số lượng các học trò mà nghệ nhân đó đã trao truyền…

Việc nhận diện rõ hơn về nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể sẽ góp phần thực hiện tốt các quy định của Nghị định 62/2014/NĐ-CP, Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời góp phần vào việc đề xuất các chính sách liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong tương lai.

Hiện nay, việc nhận diện “đúng người đúng việc” đã khó, để đãi ngộ nghệ nhân sau vinh danh cũng đang là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, việc vinh danh nghệ nhân là thể hiện sự trọng thị của cộng đồng đối với những người đã không ngừng cống hiến, đóng góp công sức vào việc bảo tồn di sản văn hóa của địa phương, dân tộc.

Các nghệ nhân hát soọng cô tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc
Các nghệ nhân hát soọng cô tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc

Song điều đó chỉ có ý nghĩa thiết thực, khi các nghệ nhân sau khi được vinh danh có được một đời sống tốt để họ toàn tâm, toàn ý với công việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, cho thế hệ tương lai.

Vậy làm thế nào để tạo cho nghệ nhân sau khi vinh danh có một đời sống tốt? Câu hỏi này đã không ít lần được dư luận, các nhà nghiên cứu đưa ra bàn luận.

Được biết, để chuẩn bị cho đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba – 2021, ngày 9/10/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3470/QĐ-BVHTTDL với nhiều nội dung căn cứ cụ thể. Theo đó, tiến độ thực hiện của các cấp hội đồng được thực hiện từ tháng 8/2019 đến tháng 3/2021. Hy vọng rằng, ở đợt xét tặng danh hiệu lần thứ ba, sẽ là sự hài lòng của cả nghệ nhân lẫn công chúng dành cho một danh hiệu cao quý

Được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2019, Nghệ nhân dân ca Sán Chí – Lâm Minh Sặp, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có thêm cơ hội để đi giao lưu nhiều hơn. Nghệ nhân Lâm Minh Sặp chia sẻ: “Sau khi được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, điều tôi nhận lại được không phải những khoản hỗ trợ về vật chất mà là môi trường, không gian để phát huy hơn nữa những giá trị đặc sắc của dân ca Sán Chí. Những năm qua, chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ, khuyến khích để tôi mở lớp truyền dạy, … Tôi nghĩ rằng, đây chính điều quý giá nhất với mỗi nghệ nhân khi được phong tặng danh hiệu để nghệ nhân có điều kiện gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc”.

Trên một diễn đàn chia sẻ với báo chí, nhà nghiên cứu – nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, người có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với âm nhạc dân gian cho rằng, việc đãi ngộ các nghệ nhân và đội ngũ kế cận để gìn giữ và phát huy di sản vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, nếu nhìn nhận một cách rành rọt, việc hỗ trợ nghệ nhân bằng tiền chưa hẳn đã là một giải pháp hữu ích. Với lớp nghệ nhân lớn tuổi sống quá nghèo, thì việc cấp một khoản tiền giúp họ sống tốt hơn để họ có thời gian toàn tâm, toàn ý trao truyền cho hậu thế là rất quý.

Nhưng hiện nay, đa phần là lớp nghệ sĩ dân gian trẻ kế thừa và họ không thích kiểu hỗ trợ như vậy, mà quan trọng hơn là cần sự khích lệ, động viên, là việc truyền cảm hứng để họ biết trân quý mà theo đuổi, gìn giữ di sản.

(Theo baodantoc.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *