Nghệ nhân Chu Thị Hồng Vân: Cả đời gìn giữ câu Then

(Vanhoatv.com.vn). Bà Chu Thị Hồng Vân (dân tộc Nùng, SN 1968) ở thôn Hố Cao, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang là nghệ nhân ưu tú duy nhất của tỉnh Bắc Giang trong lĩnh vực thực hành Then. Với vốn Then và đàn tính phong phú, bà không ngừng góp sức bảo tồn, phát huy giá trị của di sản Then trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Nùng trên địa bàn tỉnh.

Nghệ nhân Ưu tú Chu Thị Hồng Vân đang thực hành nghi lễ Then.

Những ngày cuối năm, nghệ nhân Chu Thị Hồng Vân khá bận rộn bởi nhiều gia đình trong vùng mời bà đến thực hành các nghi lễ Then về nhà mới, cưới hỏi, giải hạn, cúng mụ, sinh nhật…

Theo như chia sẻ của nghệ nhân Chu Thị Hồng Vân, trong đời sống hằng ngày của người Tày, Nùng từ lúc sơ sinh đến khi mất đi đều cần đến Then. Những âm thanh của đàn tính, tiếng sóc nhạc đã ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ. Đó không chỉ đơn thuần là nghệ thuật mà còn là nghi lễ tâm linh thiêng liêng. Các nghi lễ Then tập hợp rất nhiều người đến xem và tham gia phụ việc. Có khi chính họ say trong lời ca, tiếng đàn tính. Mọi người chăm chú nghe các trường đoạn Then, nghe các câu chuyện được thể hiện qua lời hát của thầy Then và thấy được lịch sử dân tộc mình trong đó. Sau mỗi nghi lễ là những niềm vui thỏa nguyện cả về tâm linh và sự thưởng thức văn hóa.

Nghệ nhân ưu tú Chu Thị Hồng Vân ngoài cùng bên phải thực hành nghi lễ Then

Bà con người Nùng ở Hương Sơn có câu nói: “Ké quả tàng nghìn tiếng lượn Then/Mùa lườn táng piếu pồn báo ón…” (Người già qua đường nghe tiếng lượn Then/ Về nhà như biến thành trai trẻ). Đồng bào thường sử dụng Then vào nhiều dịp như về nhà mới, mừng thượng thọ, ngày cưới, cúng mụ, giải hạn, cầu duyên, cấp sắc…

Cũng theo nghệ nhân Hồng Vân, quan niệm dân gian cho rằng, Then có nghĩa là (Thiên – “trời”), Then thường đi cùng với đàn tính và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Làn điệu Then giúp con người gửi lời cầu nguyện đến trời. Vì thế mỗi khi thực hành nghi lễ, bà đã trình diễn bằng cả tâm hồn, nhiệt huyết của mình với âm thanh, làn điệu phong phú, nhuần nhuyễn giữa đàn, hát, xóc nhạc khi réo rắt, khi du dương, khi nhịp nhàng, rộn rã, lúc thầm thì như suối reo và lại khắc khoải như nỗi mong ngóng, chờ đợi… Tuy nhiên, điều nghệ nhân Hồng Vân trăn trở là trong vùng còn rất ít người biết Then cổ, lớp trẻ nhiều người biết hát Then nhưng đó là Then mới.

Nghệ nhân Then Chu Thị Hồng Vân

Nghệ nhân Vân giải thích, lời ca tiếng hát trong nghi lễ Then chủ yếu kể về hành trình đầy gian nan vất vả của một đội quân quả cảm. Trên đường đi họ phải trải qua rất nhiều thử thách cam go, mỗi một chặng đường lại gặp những thử thách khác nhau. Qua mỗi một chặng đường, thầy Then lại có những cung đàn, giọng hát khác nhau thể hiện sao cho phù hợp với từng tình huống gặp phải. Ví như khi gặp phải thân phận khốn khó, éo le cần giúp đỡ thì sử dụng giọng hát ngọt ngào, yêu thương, chứa chan tình cảm. Khi đi săn thú rừng thì giọng hát mau lẹ, khỏe khoắn, hùng dũng. Khi cầu xin người lái đò vượt biển giọng hát lại tha thiết níu kéo…

Nghệ nhân Chu Thị Hồng Vân đã nhiều lần tham gia và giành Huy chương Vàng tại các kỳ liên hoan hát Then, đàn tính, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đầu năm 2019, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Để giúp việc cho thầy Then có những người đi nhạc ngựa. Nhạc ngựa là một vòng được làm bằng nhiều móc sắt hoặc đồng nối với nhau và quả nhạc. Tiếng sóc nhạc biểu tượng cho đoàn quân đang hành quân. Người đi nhạc ngựa điều khiển tiếng nhạc sao cho phù hợp với tiếng đàn, lời hát của bà Then, phù hợp với từng tình huống mà đoàn quân gặp phải.

Một cuộc Then không chỉ là một cuộc hành trình lên trời để cầu nguyện mà còn có nhiều chương đoạn miêu tả về cuộc sống trần thế và những mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Mỗi cuộc tổ chức lễ Then thường phải kéo dài hết một đêm thì đoàn quân sẽ đến gặp được thánh thần, Nam Tào – Bắc Đẩu và cuối cùng là Ngọc Hoàng để trình bày những lời cầu xin của gia chủ mong muốn hóa giải những kiếp nạn, biến những lời cầu xin của gia chủ trở thành hiện thực.

Một mùa Xuân nữa đang đến và những người Nùng ở Hương Sơn lại được thưởng thức những làn điệu Then bay bổng. Những tiếng Then, đàn tính, sóc nhạc như mạch nguồn chảy mãi từ mùa xuân này tới mùa xuân khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác mà nghệ nhân Chu Thị Hồng Vân chính là một trong những cầu nối cho sợi dây gắn kết ấy.

theo Đông Khánh baodantoc.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *